1. Tác hại của việc ngồi lâu một chỗ
1.1 Gây tăng cân
Vận động giúp cơ thể tiêu hóa chất béo và lượng đường cơ thể nạp vào qua mỗi bữa ăn. Tuy nhiên nếu bạn ngồi một chỗ quá lâu, quá trình tiêu hóa sẽ không thể hoạt động hiệu quả. Theo thời gian lượng đường và chất béo này sẽ tích tụ dưới dạng mỡ thừa, gây tăng cân, thậm chí là béo phì.
Để duy trì vóc dáng và chống lại những tác hại của việc ngồi nhiều, bạn nên xây dựng thói quen tập thể dục mỗi ngày ở cường độ vừa phải.
1.2 Nguy cơ tắc nghẽn mạch máu ngoại biên
Máu tuần hoàn trong cơ thể theo một vòng khép kín. Máu được đưa đến các cơ quan nhờ hoạt động co bóp của tim và ngược về tim nhờ hoạt động của các van tĩnh mạch một chiều. Hoạt động đóng mở của các van tĩnh mạch nhờ vào sự co ép và thả lỏng các cơ bao bên ngoài mạch máu (mạch máu ngoại biên). Ngồi yên một chỗ làm giảm đáng kể các vận động cơ cần thiết này khiến máu lưu thông kém thông suốt.
Thói quen ngồi nhiều, ít vận động góp phần thúc đẩy các triệu chứng suy tĩnh mạch chi dưới mà người lớn tuổi thường mắc phải. Căn bệnh này đang có chiều hướng trẻ hóa, gây nhức mỏi, khó khăn cho vận động và sinh hoạt.
1.3 Gây ra các vấn đề về cột sống, thoát vị đĩa đệm
Nhiều bạn trẻ làm việc trong môi trường văn phòng thường có thói quen ngồi một chỗ cả ngày, thậm chí ngồi sai tư thế. Điều này gây tác động không nhỏ đến cột sống và làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
Không chỉ cơ mà các mạch máu và dây thần kinh bao quanh cột sống cũng vì thế mà bị ảnh hưởng, gây ra các hiện tượng như tê mỏi, châm chích…
Mặt khác, tư thế ngồi khom về phía trước còn gây đau cứng cổ vai, ép lồng ngực, thu hẹp thể tích phổi, khiến lượng khí oxy hít vào không đủ đáp ứng hoạt động của các cơ quan và não bộ…
1.4 Ngồi một chỗ quá lâu là nguyên nhân thứ tư gây tử vong do các bệnh mãn tính
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho thấy, ngồi nhiều sẽ tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2 lên 7%, khả năng bị bệnh tim mạch lên 6%, tăng nguy cơ mắc ung thư vú lên 10% và ung thư đại tràng lên 10%. Kết hợp với thuốc lá và chế độ dinh dưỡng bất hợp lý, đây là những căn bệnh mãn tính nguy hiểm, diễn biến âm thầm gây tử vong trên toàn thế giới.
2. Làm thế nào để vận động nhiều hơn?
Bạn có thể tăng cường thời gian vận động khi ở nhà bằng cách:
- Nếu có thể hãy lựa chọn đi bộ hoặc đi xe đạp từ nhà đến cơ quan.
- Làm các công việc nhà như ủi quần áo, nấu cơm… trong tư thế đứng.
- Kết hợp vận động trong khi giải trí, xem tivi, chẳng hạn như nâng tạ, căng cơ theo các tư thế yoga, sử dụng xe đạp tập…
- Khi nói chuyện điện thoại, hãy đứng lên và đi lại
- Đi bộ quanh khu vực nhà ở, dẫn thú nuôi đi dạo, đi bộ cùng người thân, bạn bè…
Bên cạnh đó, thay vì ngồi yên một chỗ trong 8 giờ làm việc tại cơ quan, bạn có thể:
- Đứng dậy đi lại vài phút sau mỗi 1 tiếng ngồi tại chỗ.
- Sử dụng thang bộ thay vì đi thang máy.
- Dạo quanh văn phòng, tòa nhà trong giờ giải lao, nghỉ trưa.
- Nói chuyện trực tiếp với đồng nghiệp nếu có thể thay vì nhắn tin, gọi điện.
- Thay đổi tư thế, vận động tay, chân ngay tại ghế ngồi trong lúc làm việc.
nguồn : https://suckhoedoisong.vn/ngoi-lau-anh-huong-nhu-the-nao-den-suc-khoe-169220915162106411.htm